Bối cảnh
Theo thống kê của Bộ Y tế, tỉ lệ người dân khám chữa bệnh tại các trạm y tế xã chiếm 28,3% trong năm 2014, nhưng đến năm 2017, tỉ lệ này chỉ còn 19,9% và tiếp tục giảm còn 18,5% trong sáu tháng đầu năm 2018. Điều này cho thấy phần lớn nhiều bệnh nhân mong muốn sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế thuộc các tuyến cao hơn. Tuy nhiên, sự thật là y tế cơ sở mới được coi là nền tảng của hệ thống y tế; là nơi dễ tiếp cận với chi phí thấp và giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Phương thức kế hoạch
Nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ở những vùng nông thôn, Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Đinh Thiện Lý chúng tôi đã tài trợ xây dựng Trạm y tế xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau vào năm 2008 và Trạm y tế xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre vào năm 2010. Bên cạnh việc xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, Quỹ chúng tôi còn hỗ trợ lắp đặt các trang thiết bị y tế và một phần kinh phí nâng cao năng lực nhân viên y tế địa phương.
Trong năm 2009, trạm y tế xã Trí Lực đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế với tổng lượt khám chữa bệnh là hơn 7,800 lượt. Bên cạnh đó, trong năm 2012, trạm y tế xã Tân Thành Bình đã được nâng cấp thành Phòng khám đa khoa khu vực Tân Thành Bình, phục vụ người dân không chỉ ở xã này, mà bao gồm cả những xã xung quanh với tổng lượt khám chữa bệnh là hơn 17,500 lượt.
“Tôi rất vui mừng vì xã có trạm y tế đẹp và tiện nghi như vậy. Tuy thầy hay, thuốc giỏi nhưng có phương tiện khám chữa bệnh đầy đủ thì chắc chắn sẽ tốt hơn. Tôi sống ở đây đã lâu, nhận thấy các thầy thuốc ở trạm rất nhiệt tình điều trị.” – bà Hồ Thị Khôi, người dân ở ấp Tân Long (tỉnh Bến Tre) cho biết. Con gái của bà (chị Lê Thị Thơ) tiếp lời: “Em đi làm mướn trên TP.HCM, rồi lấy chồng sinh con ở trển. Từ ngày em sinh con cho đến nay được 8 tháng, nhưng không có ai đến nhà trọ để nhắc nhở em đi khám bệnh cho con… Nay về đây sinh sống, con em được các bác sĩ chăm sóc tận tình, em rất yên tâm.”